Ngày 24/5, tại Phú Thọ, Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức Hội nghị lần thứ ba; đồng thời công bố Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo 14 tỉnh trong Vùng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối ghi nhận, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các địa phương trong Vùng đã vượt khó, cố gắng khai thác các lợi thế để đi lên. Một số địa phương có cách làm mới, sáng tạo, cần nhân rộng.
Theo Phó Thủ tướng, việc liên kết Vùng đã có từ lâu nhưng chưa phát huy được hiệu quả, bởi khu vực này còn yếu về nguồn lực, yếu về hạ tầng, yếu về liên kết. Để kéo khu vực này lên, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, các địa phương trong vùng cần tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, đề án đã đề ra. Trong đó các bộ, ngành Trung ương cần “trả nợ” các đề án còn thiếu, tổng hợp các báo cáo, các ý kiến phát biểu của các đại biểu để trình Chính phủ…
Các địa phương trong Vùng cần đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tế; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của Hội đồng điều phối tại tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là mặt bằng tại các dự án hạ tầng giao thông; có phướng án ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai triệt để chuyển đổi số…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc rà soát, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất 04 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng, gồm: Nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; Nhóm chính sách về phát triển cửa khẩu; Nhóm chính sách về quản lý, phát triển tài nguyên rừng, nguồn nước; Nhóm chính sách về an sinh xã hội.
Về quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024. Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng để nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm tập trung triển khai các nội dung cụ thể.
Thứ nhất, cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện chương trình dự án có vai trò vùng.
Thứ ba, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ tư, tập trung nguồn lực thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.
Thứ năm, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại tự do xuyên biên giới (hiện đang được nghiên cứu thí điểm), tăng cường liên kết hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ, các hành lang và vành đai kinh tế và các khu vực động lực phát triển.
Về tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư các dự án cao tốc, quy mô lớn của Vùng góp phần thay đổi bộ mặt kết cấu hạ tầng của Vùng, cụ thể một số dự án đã hoàn thành và đang tích cực triển khai. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 24/12/2023, năng lực tăng thêm khoảng 40km đường cao tốc với quy mô 4 làn từ đó kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 có chiều dài 104 km, quy mô đầu tư 02 làn hạn chế, giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 9.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ là hơn 5.600 tỷ đồng). Dự án đã được khởi công từ tháng 5/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Hiện nay, 02 địa phương đang rà soát, đề xuất phương án mở rộng lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đồng thời kéo dài từ Bắc Quang đến thành phố Hà Giang.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức BOT, Bộ trưởng thông tin, Dự án có tổng chiều dài tuyến: 121 km; giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93km. Dự án đã khởi công ngày 01/01/2024 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025. Tuy nhiên hiện đang gặp khó khăn vướng mắc như chỉ tiêu sử dụng đất tại tỉnh Lạng Sơn, đến năm 2025 cần tăng thêm 188 ha đất giao thông; Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần nhiều thời gian; Khó khăn về khả năng huy động vốn của Nhà đầu tư nên dự án đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư để nâng mức vốn tham gia của ngân sách nhà nước (NSNN) thêm 3.220 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La): gồm 04 đoạn đang triển khai thực hiện, đó là: Tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình, dài 23km, Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang lập dự án để mở rộng quy mô lên 6 làn và triển khai thực hiện theo hình thức BOT; Tuyến đường liên kết Vùng thành phố Hòa Bình – Đà Bắc (km0-km19): tỉnh Hòa Bình đang rà soát đề xuất điều chỉnh hướng tuyến và thực hiện theo quy mô cao tốc; Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu: (km19-53), đoạn thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km, hiện chưa chọn được nhà đầu tư và chưa khởi công; Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu: đoạn thuộc địa bàn tỉnh Sơn La có chiều dài 32,3km, đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm giao tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản; hiện nay tỉnh đã hoàn thành thủ tục đầu tư và dự kiến khởi công sau khi Quốc hội bổ sung vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Như vậy, toàn tuyến Dự án hiện nay chưa khởi công và chậm so với tiến độ phê duyệt.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT, đây là Dự án có quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm; tổng vốn đầu tư là 4.208 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 2.103 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Hiện chưa lựa chọn được nhà đầu tư, tỉnh Lào Cai đang điều chỉnh chủ trương đầu tư để tăng vốn NSNN tham gia vào dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định, hồ sơ quy hoạch và tặng hoa cho đại diện các địa phương trong Vùng. Ảnh: MPI |
Ngoài ra, các Bộ, ngành đang nghiên cứu phương án đầu tư một số dự án như tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài- Lào Cai; Tuyến Đoan Hùng – Chợ Bến; Giai đoạn 2 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Tuyến cao tốc Bắc kạn – Cao Bằng; Tuyến cao tốc Sơn La – Điện Biên – cửa khẩu quốc tế Tây Trang; Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt điện khí hóa Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng…; Đồng thời các địa phương đang rà soát, xây dựng phương án nâng quy mô các tuyến cao tốc lên 4 làn hoàn chỉnh, bổ sung các tuyến kết nối, nút giao để phát huy hiệu quả các cao tốc trên địa bàn.
Về các nhiệm vụ, hoạt động điều phối, Bộ trưởng cho biết, các bộ, địa phương quyết liệt triển khai 12 nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ và 6 nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động Vùng năm 2023. Về quy hoạch vùng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch vùng.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tham gia góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Về các dự án quan trọng, liên kết vùng: các địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, lồng ghép đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc tập trung vào các nội dung: Công bố Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tham vấn cơ chế, chính sách đặc thù vùng trung du và miền núi phía Bắc và Kế hoạch điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định, hồ sơ quy hoạch và tặng hoa cho đại diện các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.
Cổng TTĐT Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn: https://dangcongsan.org.vn/noidung/tintuc/Lists/Tinhoatdong/View_Detail.aspx?ItemID=2997
The post Đề xuất nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc first appeared on Vietnam.vn.