Thời gian qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền và ngành chức năng phục dựng, bảo tồn. Qua đó, góp phần tạo cơ sở để cộng đồng các DTTS trên địa bàn tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn (gồm Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà và thành phố Kon Tum). Chính sách bảo tồn, phục dựng tập trung vào nhiều loại hình như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật dân gian, nghề truyền thống, nhà rông, hệ thống lễ hội gắn với đẩy mạnh việc quảng bá, phát triển hiệu quả du lịch.
Toàn tỉnh có gần 2.400 bộ cồng chiêng, trong đó có 358 bộ của tập thể, 2034 bộ của cá nhân. Nhiều loại hình trò chơi, văn học, âm nhạc dân gian (nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi, nghệ thuật cồng chiêng), nghề dệt truyền thống, thủ công đan lát, đẽo thuyền độc mộc được truyền dạy hiệu quả với trên 12.000 người biết làm nghề truyền thống. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng nhà rông đạt hiệu quả, bảo tồn được nhiều lễ hội, văn hóa của cộng đồng các DTTS.
Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có các DTTS tại như Brâu, Xơ Đăng, Gié- Triêng với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Ngọc Hồi luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp phù hợp với thực tế tại địa phương.
Đến nay toàn huyện Ngọc Hồi có gần 50 bộ cồng chiêng; đa số các thôn làng đã có nhà rông. Nhiều môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ được đẩy mạnh tập luyện; các món ăn truyền thống dân dã được gìn giữ, phát triển thành những sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế như thịt trâu gác bếp, măng khô, cải khô; nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa hàng năm được đầu tư phục dựng, trao truyền cho các thế hệ hiện nay.
Dân tộc Brâu đang sinh sống tại làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước. Cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo, đặc biệt là hệ thống nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống đời thường như: lễ phát rẫy, mừng lúa mới, Tết truyền thống, lễ cúng trỉa lúa.
Già làng A Ốt ở thôn Đăk Mế (xã Pờ Y) cho biết, vừa qua dân làng rất vui mừng khi được các ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ để phục dựng lại Lễ cúng trỉa lúa. Đây là nghi lễ mang đậm tín ngưỡng của người Brâu với mong muốn cầu xin các Yàng (thần) sẽ nhận lời khẩn cầu và giúp cho hạt giống gieo xuống nảy mầm, tươi tốt và cho năng suất. Sau phần lễ là phần hội, diễn ra trong không khí náo nhiệt với sự tham gia của cả cộng đồng. Mọi người cùng nhau thực hiện các điệu múa truyền thống trong nhịp trống, tiếng chiêng, tiếng đàn hòa quyện tạo nên một lễ hội rất riêng mang đậm bản sắc của người Brâu.
Thời gian qua, huyện Sa Thầy đã ban hành nhiều chương trình, đề án để bảo tồn, phát huy nhiều bản sắc văn hóa, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái tại địa phương. Cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện gìn giữ được nhiều nghề truyền thống, nhạc cụ, nghệ thuật diễn xướng, dân ca gắn liền với các phong tục, nghi lễ quan trọng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người Rơ Măm tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) hiện có 178 hộ với 526 nhân khẩu. Mặc dù là cộng đồng ít người nhưng người Rơ Măm có một nền văn hóa đặc sắc, nổi bật với nhiều tri thức dân gian, truyện cổ, bài ca, điệu múa, cồng chiêng, đặc biệt là hệ thống lễ hội xoay quanh vòng đời người và vòng đời cây trồng.
Thực hiện Dự án 6 trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã phân bổ kinh phí, huy động nguồn lực giúp đồng bào Rơ Măm phục dựng lại các lễ hội, bảo tồn và phát triển bản sắc truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, vào khoảng tháng 11- 12 dương lịch hàng năm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, người Rơ Măm tổ chức Lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng có được một vụ mùa bội thu.
Theo ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, thời gian qua, ngành VH,TT&DL tỉnh thực hiện nhiều chương trình khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống như: Bảo tồn các lễ hội, nhạc cụ truyền thống, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, làng; hỗ trợ trang thiết bị, thiết chế văn hóa thể thao; tu bổ tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt có giá trị; đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu. Đặc biệt, thông qua Dự án 6, nhiều lớp dạy cồng chiêng, đan lát, dệt và các nghi lễ, văn hóa của người DTTS đã được khôi phục. Đây là cơ sở để cộng đồng các DTTS tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tiếp tục bám sát các nội dung của Dự án 6, hướng dẫn của các bộ, ngành để thực hiện đảm bảo các tiêu chí, đúng đối tượng, khu vực thụ hưởng. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương”- ông Phan Văn Hoàng cho biết.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/kon-tum-phuc-dung-va-bao-ton-gia-tri-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-dtts-20240612090432414.htm
The post Phục dựng và bảo tồn giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) first appeared on Vietnam.vn.